itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Lãng du trong văn hóa Việt Nam

Lãng du trong văn hóa Việt Nam

"Lãng du trong văn hóa Việt Nam" là một cuốn sách nghiên cứu văn hóa đồ sộ. Sách dày hơn 1000 trang tập hợp từ gần 400 bài báo của nhà báo Hữu Ngọc trong mấy chục năm qua.

Cuốn sách được chia thành ba phần: Đất Việt; Lịch sử truyền thống và Văn hóa - Bản sắc dân tộc - Văn học nghệ thuật. Với sự sắp xếp logic, tác giả đã cung cấp cho người đọc những tư liệu quý giá về cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, những thành tựu văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Hữu Ngọc là một nhà văn, nhà báo đam mê nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Hơn 50 năm cầm bút ông luôn mang đến cho độc giả trong nước và thế giới những bài viết tinh tế về văn hóa dân tộc. Những bài viết của ông về văn hóa Việt Nam đăng trên mục "Mạn đàm truyền thống" của hai tờ báo Le Courrier Viet Nam và Vietnam News đã giới thiệu với thế giới sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Những bài báo này của ông đã được tập hợp thành một cuốn sách với tựa đề "Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam" và được dành làm quà biếu các nguyên thủ quốc gia. Không dừng lại ở đây, những năm qua, Hữu Ngọc vẫn tiếp tục viết bằng một tình yêu sâu sắc đối với nền văn hóa dân tộc, tập hợp thành một cuốn sách dày dặn và đầy đủ hơn mang tên "Lãng du trong văn hóa Việt Nam".

"Lãng du trong văn hóa Việt Nam" được xem như một cuốn nhật ký về văn hóa. Các bài viết được tập hợp trong cuốn sách này, là sự cảm thụ sâu sắc của Hữu Ngọc. Bằng lối viết giản dị mộc mạc nhưng giàu cảm xúc, Hữu Ngọc đã mang lại cho độc giả sự thích thú khi đọc sách. Đó cũng là sự khác biệt lớn so với những cuốn sách nghiên cứu mang đậm tính chất hàn lâm.

Với gần 400 bài viết, Hữu Ngọc đã dẫn dắt chúng ta theo dọc dài đất nước, tìm hiểu từ địa đầu tổ quốc tới tận Mũi Cà Mau: Đến Nhị Khê thăm quê hương của Nguyễn Trãi, thăm Vạn Phúc với nghề dệt lụa truyền thống, sang Bắc Ninh nghe những câu quan họ đậm sâu nghĩa tình, lên Lao Cai, Hà Giang thưởng thức bài hát, điệu múa đưa ma của người Mông, lãng du vào Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm thô ráp và nghe câu đố Chăm ý nhị, trở về với thủ đô Hà Nội thăm Văn Miếu để biết thêm truyền thống hiếu học của người xưa… Có khi ông lại đưa chúng ta đến với những hội hè, đình đám với những phong tục vô cùng đặc sắc. Hay những cây cỏ, loài vật gắn liền với cuộc sống của người dân. Truyền thống dân tộc cũng được khắc họa sâu sắc: Từ cách nghĩ về một địa danh hay những cảm xúc về "vọng tiếng gà gáy từ 700 năm trước" đến truyền thống đấu tranh chống Pháp đến chống Mỹ, đều được nhà văn hóa Hữu Ngọc phác họa hết sức tinh tế. Những suy nghĩ về gia đình - xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa và bản sắc dân tộc đều được tác giả thể hiện một cách dung dị và ngộ nghĩng.

Cuốn sách "Lãng du trong văn hóa Việt" thực sự là một bức tranh thu nhỏ của nền văn hóa Việt Nam. Với công trình đồ sộ này, tác giả đã giới thiệu những khía cạnh khác nhau của văn hóa dân tộc, sự độc đáo của bản sắc dân tộc; đề cập đến mọi vấn đề về văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam từ núi sông, mưa gió, cây cối, loài vật, thức ăn, làng xã, hội hè, phong tục… đến tư duy, tôn giáo, giao lưu văn hóa với nước ngoài. Cuối cùng đúc kết lại bằng mấy chục trang nghiên cứu tổng hợp các giai đoạn phát triển của văn hóa Việt Nam.

Đọc "Lãng du trong văn hóa Việt Nam", chúng ta thêm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống. Biết mình, biết thấy nét đẹp của đất nước và qua đó biết cách để dừng đánh mất mình. Đó thực sự là những bài học quý báu giúp chúng ta bước vào trường quốc tế. Để chúng ta "hòa nhập" chứ không "hòa tan" vào văn hóa thế giới!

Bằng tình yêu nước Việt sâu đậm Hữu Ngọc đã bất chấp tuổi tác, rong ruổi trên từng nẻo đường để viết lên những trang sách quý báu. Từng trang sách trong cuốn sách này đều vô cùng giá trị không chỉ đối với người Việt mà với tất cả những ai yêu nước Việt. "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" thực sự là một món quà quý báu dành tặng cho những người yêu và muốn khám phá Việt Nam.

Thanh Lan / VTV