itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Tinh thần "lễ hội hóa và sân khấu hóa" trong Ngày thơ Việt Nam 2009

Tinh thần "lễ hội hóa và sân khấu hóa" trong Ngày thơ Việt Nam 2009

Ngày thơ Việt Nam 2009 tại TP.HCM

Theo thông lệ, ngày Rằm tháng giêng hằng năm, các địa phương trên cả nước đều tổ chức Ngày thơ Việt Nam.

Ngày thơ Việt Nam 2009 với 3 chủ đề chính: Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, giải phóng đất nước; Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Khích lệ tình yêu đất nước, dân tộc, phát huy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm di chúc của Người.

Vào lúc 8h30 sáng Rằm tháng Giêng tết Kỷ Sửu, (tức ngày 9/2), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7 với tinh thần "lễ hội hóa và sân khấu hóa" đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội như truyền thống.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình Ngày thơ được mở màn với lễ kéo "Lá cờ Thơ", rồi ngâm đọc bài thơ "Nguyên tiêu" của Hồ Chí Minh và màn múa đèn lồng, múa hoa sen. Ngoài ra chương trình còn có phần trình diễn thơ, nhạc và hội thảo văn học thiếu nhi.

Bên cạnh “sân thơ già” là sân thơ trẻ 2009 với một số cuộc trình diễn, giới thiệu các cây bút được BTC đánh giá là có tiềm năng.

Sân Nhà Thái học là nơi trưng bày thơ của các tác giả viết về Trường Sơn và tại đây, các nhà thơ đọc thơ và giao lưu với khán giả. Người yêu thơ cũng tham gia ứng đối trong phần xướng họa thơ Đường.

Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội còn tổ chức một sân chơi dành cho thiếu nhi, tạo cơ hội cho các em nhỏ giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng.

Khác với mọi năm, Ngày thơ năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh được Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM, Hội Nhà văn TP HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sớm vào ngày 8/2/2009 (tức ngày 14 tháng giêng năm Kỷ Sửu) tại Công viên Văn hóa Bách Tùng Diệp với chủ đề “Cội nguồn - Hội nhập - Sáng tạo”.

Như mọi năm, mở đầu bao giờ cũng là tiết mục đánh trống khai hội ngày thơ và đọc bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ. Sau đó, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM, Trưởng ban tổ chức đọc lời khai mạc bằng những vần thơ, trong đó có đoạn khẳng định giá trị và sức sống muôn đời của thơ Việt Nam: “Từ trong nguồn cội đi ra; Vượt bao ghềnh thác mong ta đến mình; Nhân gian có một chữ tình; Theo thơ gửi tới cho mình cho ta…”.

Nhà thơ trẻ Bùi Thanh Tuấn với tập thơ "Tứ - Tuyệt - Tình" đoạt giải nhất

Sau phần khai mạc bắt đầu đến phần giới thiệu thơ, phần lớn các bài thơ được biểu diễn trong đêm thơ đều là do chính tác giả thể hiện. Một điều khá riêng là năm nay thơ thường gắn với thời sự xã hội chứ không chỉ ca ngợi chung chung. Mở đầu phần biểu diễn là tác phẩm Đi về phía biển xanh của tác giả Lê Quang Trang nói về phát triển kinh tế biển. Rồi lần lượt 24 bài thơ của 24 nhà thơ được giới thiệu với những cách thể hiện khác nhau.

Có thể nói, công viên Bách Tùng Diệp chiều khai mạc Ngày thơ nhộn nhịp các nhà thơ, bạn yêu thơ tay bắt mặt mừng gặp nhau. Nhà thơ gặp nhà thơ, nhà thơ gặp bạn đọc và thậm chí cả những người không biết về thơ cũng hòa chung niềm vui với những người yêu thơ. Người không biết về thơ ở đây là khách nước ngoài, họ tò mò, ngạc nhiên và sau đó là hớn hở chụp ảnh, xin chữ thư pháp và ngắm nghía những cuốn thơ, bài thơ được giới thiệu rồi hỏi han, trao đổi ý nghĩa của chúng.

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM cho biết: “Dù không kéo dài trọn ngày, không gian của hội thơ sẽ được chăm chút hơn do kinh phí đầu tư cho hoạt động này cao hơn các năm. Hy vọng đây sẽ là dịp người sáng tác và độc giả có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, tâm tình và tìm hiểu nét đẹp thi ca Việt Nam”.

Ngày thơ khép lại trong sự lưu luyến với các nhà thơ và những người yêu thơ. Ngày thơ quá ngắn ngủi, phải một năm nữa thơ và bạn thơ mới lại có dịp được gặp nhau đông đủ như hôm nay. Với tất cả những ai yêu thơ, Ngày thơ đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng của TP trong những ngày đầu xuân.

Trước đó, ngày 4/2, tại sân Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận đã khai mạc Triển lãm với chủ đề Thơ ơi, cùng chảy nhé! Đây là không gian mới dành cho độc giả Sài Gòn nhân ngày thơ đang đến gần.

Một không gian mới dành cho độc giả Sài Gòn

Hơn 1.000 tập thơ được sắp đặt giữa tre, nứa, bình gốm, nằm trên thảm lá khô, thơ treo lủng lẳng trên cành tre trúc, thơ nép e ấp dưới cội mai vàng, thơ chắn ngang họng cây súng thần công cũ kỹ đặt trong sân chùa, thơ bên những chiếc thuyền gốm của họa sĩ Lê Triều Điển, bên các tác phẩm hội họa của Hà Nguyên Trí, Lê Thừa Khiển, Nguyễn Hữu Hải...

Vườn thơ được thày Thích Nhuận Tâm, trụ trì của chùa Lá, quận Gò Vấp khởi xướng. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà thơ và NXB đã chung tay cùng vị trụ trì có tâm hồn thi sĩ này xây dựng sân chơi mới mẻ cho người yêu thơ. Riêng đêm Nguyên tiêu (rằm tháng giêng Kỷ Sửu, ngày 9/2), tại khu vườn này sẽ ra mắt tập Thơ ơi, cùng chảy nhé! (nhiều tác giả, NXB Thanh Niên ấn hành).

Hy vọng rằng, Ngày thơ Việt Nam sẽ là dịp để nhiều thế hệ các nhà thơ Việt Nam hội tụ và giao lưu cùng bạn đọc, để cùng nhau tôn vinh văn hoá Việt Nam ./.

ItaExpress (tổng hợp)