itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Giá gạo leo chót vót, nguy cơ công nhân bị đói ăn

Giá gạo leo chót vót, nguy cơ công nhân bị đói ăn

Gạo - lương thực không thể thiếu

Tối ngày 27/4, tôi cùng chị Hoa, công nhân KCN Tân Tạo đi mua gạo cho bữa tối, chúng tôi dường như không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn giá niêm yết 22.000đ/kg, tăng hơn 2,5 lấn so với giá 9.000đ/kg của tuần trước.

Giá leo theo giờ

Cùng tâm trạng sửng sốt, lo lắng chúng tôi chạy sang cửa hàng gạo khác, bỏ lại cái bĩu môi của người chủ quán: “Gạo tăng theo giờ, không mua nhanh mai không có gạo mà mua đâu”. Tấp vào cửa hàng gạo thứ 2 trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Tân, tôi ngạc nhiên khi không thấy cửa hàng gạo này niêm yết giá. Chị chủ quán đon đả: “Em mua gạo nở hay gạo dẻo? – Dạ, em mua gạo nhài hoặc gạo Zmin – À, gạo nhài thì 28.000/kg, Zmin thì 26.000/kg - Ối, sao tăng ghê thế, em mới mua mấy hôm trước có 11.000/kg – Tăng rồi, tăng hơn cả nhiệt độ giữa sa mạc nữa, một chị sồn sồn bước vào sau tôi than thở, cứ đà này, không mua nổi gạo mà ăn nữa mất. Lúc sáng còn là 13.000/kg, đến 4h chiều đã tăng lên 21.000/kg, giờ đã là 26.000/kg. Không biết ngày mai còn tăng đến giá nào nữa.”

Hóa ra là chủ quán không niêm yết giá vì họ không thể thay bảng giá xuể theo đà tăng vọt giá gạo từng giờ như hiện nay.

Vì sao nên nỗi?

Yếu tố làm cho giá gạo tăng chóng mặt như hiện nay một phần là do nông dân “ghim” hàng chờ biến động giá khiến nguồn cung lúa nguyên liệu giảm. So với tuần trước, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã tăng từ 300 - 400 đồng/kg. Giá lúa dài thường tại ĐBSCL hiện ở mức 4.500 - 4.600 đồng/kg (lúa khô), 4.000 - 4.200 đồng/kg (lúa ướt).

Nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường giảm, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu lại đẩy mạnh thu mua lúa gao để tích trữ , gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu khiến giá lúa gạo tăng mạnh., Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, Quản đốc Xí nghiệp chế biến lương thực Mỹ Khánh (Công ty Mekong Cần Thơ) cho biết: "Khoảng 1 tuần qua, các doanh nghiệp đã đồng loạt thu mua tích trữ làm giá lúa gạo tăng lên từng ngày".

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến trong năm 2008, Việt Nam chỉ xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ (giảm 1 triệu tấn so với năm 2007). Đến thời điểm này các hợp đồng xuất khẩu gạo do các doanh nghiệp ký kết chỉ ở mức 2,4 triệu tấn.

TP. HCM: người dân xếp hàng mua gạo

Vì vậy, tình hình khan hiếm trên thị trường nội địa hiện nay chủ yếu do vấn nạn đầu cơ trục lợi rất cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan quản lý để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Công nhân: Mỳ tôm hoặc là nhịn

Chưa có thời điểm nào mà tình hình đời sống người công nhân ở các khu công nghiệp lại lâm vào tình cảnh khốn khó như thế này. Giá nhà tăng gấp rưỡi, giá nước tăng gần 4 lần, chưa kịp hoàn hồn thì nay giá gạo đã leo chót vót hơn 2,5 lần và không biết đến lúc nào mới có tín hiệu dừng lại. Mà đồng lương của công nhân thì eo hẹp, trung bình từ 1,2 triệu đồng/tháng – 1,6triệu đồng/tháng. Mọi thứ đều phải chắt bóp, đến nỗi, chị Hoa, công nhân Công ty Ta-Shuan, KCN Tân Tạo buồn rầu mua hai gói lớn mỳ tôm, loại mỳ tôm cân vì “gạo đắt quá, không mua nổi, thôi mua mỳ tôm ăn tạm, hy vọng vài ngày nữa gạo trở lại bình thường chứ không thì chắc chết đói quá!”

Họ là những công nhân làm việc chân tay nên tiêu tốn rất nhiều năng lượng 1 ngày

Gạo là thứ lương thực không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam, có thể nhịn không ăn cơm một vài ngày mà đổi sang món khác như mỳ tôm chẳng hạn, nhưng không thể ăn mỳ tôm nổi cả tuần hay cả tháng. Khẩu phần hàng ngày của người công nhân chủ yếu là gạo, một phần do họ làm những công việc chân tay tiêu tốn nhiều năng lượng, phần khác do cơn bão giá từ đấu năm làm họ không còn khả năng chi mua thịt, cá,.. Nay giá gạo cứ theo đà này, nếu chính phủ không có một biện pháp nào để bình ổn giá, đặc biệt là bình ổn giá gạo trở lại thì chuyện công nhân phải nhịn đói là điều chẳng xa vời.

Lại Thu Giang