itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Thung lũng trăm tuổi

Thung lũng trăm tuổi

Thung lũng của những người sống

trăm tuổi.

Mường Chậm là xứ Mường còn giữ được nhiều nét hoang sơ Mường cổ. Từ bản xuống phiên chợ Lồ một tháng họp hai lần mất nửa ngày đường, thành thử người Mường Chậm “tự sản tự tiêu”: Rau ăn lấy từ vườn, cá nuôi trong ao, gà nuôi trong chuồng, và gạo thì lấy từ nương... Bốn phía Mường Chậm vây bủa bởi núi đá sừng sững. Nhịp sống hình như cũng theo đó mà chậm lại, nhưng trong trẻo, tinh khôi...

Huyền thoại Mường Chậm

Mường Chậm lọt giữa thung lũng Mường Bi - xứ Mường cổ nhất của đất Hòa Bình. Mỏm núi cột cờ đứng lơ chơ giữa cánh đồng rộng bát ngát, trông xa tựa như một cái chùy cắm giữa trời, sừng sững bao đời. Con đường độc đạo dẫn vào Mường Chậm, xẻ đá vịn rừng, len lỏi. Nó tựa như một người đi núi, lúc nào cũng chăm chắm nhìn về phía trước, cặm cụi và bền bỉ...

Truyền rằng, trong xứ Mường Hòa Bình rải dọc thung lũng dưới chân dốc Cun, dốc Thung Khe hiểm trở, Mường Chậm “trẻ nhất” và cũng nằm ở địa thế sâu nhất, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường xứ Mường, vì phạm tội với nhà lang phải bồng bế nhau bỏ Mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho dựng một con đập dẫn nước về các ruộng bậc thang lẩn khuất trong các thung khe nách núi, làm nước tưới tiêu, sinh hoạt. Lũ trẻ Mường Bống rủ nhau tắm trên đập, chui luồn như rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi Văn vô tình đan một cái ngõ hầu (cái đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Lũ trẻ mải đùa, bị giắt và cái ngõ hầu ấy làm chết 9 thằng bé con. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi kia đan đủ 9 cái đó, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra bạc vàng đầy 9 đó đặng nộp vạ cho Mường... Một mùa lúa mới, vào một đêm tối trời, nhà họ Bùi gùi chín gùi lúa mới, bồng bế nhau bỏ Mường, trốn nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu rậm rạp. Nghe tiếng cuốc kêu, họ Bùi mới nghĩ: Vùng này ắt hẳn có nước! Thế rồi, già trẻ, lớn bé họ Bùi Văn ở lại. Mường Chậm được hình thành như thế... Con cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang do đó mà được nhà Bùi Văn nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt...

Mùa lúa năm nay. Người vợ của nhà Bùi Văn đi xúc cá ở lằn nước, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm kỳ lạ, bà mang quả trứng về cho gà ấp, nở ra một con rắn. Con rắn hiền lắm, cho ăn mới ăn, chẳng bao giờ làm hại ai cả. Lớn lên, con rắn theo dòng nước bò về cái lằn. Nó bảo với vợ chồng họ Bùi, rằng: - Con trả ơn nuôi dưỡng của bố bằng cách mở rộng đất cho bố cày. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả Mường, ngập núi. Nước kéo đổ cây, cuốn đổ nhà... Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với họ Bùi: - Con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu Mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú: “Con tôi làm được...” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo đứa con nuôi rắn, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi, cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi... Con rắn chết. Bốn ngày sau, cái xác rắn khổng lồ mới nổi lên. Người cha hối hận, lên rừng tìm cây gỗ lớn về làm áo quan cho con rắn. Từ truyền thuyết ấy, người Mường Chậm về sau không dám ăn thịt rắn hay làm áo quan mai táng người chết không trang trí bằng màu đỏ hay những hình vẽ có họa tiết hoa văn...

Câu chuyện về Mường Chậm được ông Hà Công Tiêu kể lại đêm bếp lửa bập bùng. Ông Tiêu là con trai út của cụ Hà Thị Lợi - bà cả nàng (vợ quan lang) cuối cùng còn sống của Mường Chậm. Mường Chậm vừa bước vào mùa lúa mới. Bữa cơm mừng lúa mới theo làn khói bếp ấp ủ còn quyến luyến trên những ngọn bương, vầu xanh ngút mắt.

Thung lũng tu tiên

Ông Tiêu là người con út của bà cả nàng Hà Thị Lợi. Ông Tiêu sinh năm 1947, thế nhưng chẳng ai có thể nghĩ, ông Tiêu đã bước sang cái tuổi sáu mươi hai... và lại là hậu duệ của nhà lang Mường Chậm. Điều kỳ bí nhất đấy là Mường Chậm không chỉ là xứ sở của những huyền thoại kỳ bí, nó còn là thung lũng tu tiên của những người sống lâu trường thọ. Mường Chậm quần tụ vài trăm nóc nhà, thế nhưng cõi “tu tiên” ấy lại tập trung đến cả trăm cụ trên cả cái tuổi... thập thập cổ lai hi. “Cụ cả nàng” sinh năm 1898, năm nay tròn... 110 tuổi. Nếu tính theo tuổi ta truyền thống, cụ đã 111 tuổi. Mấy năm trước, cụ Lợi vẫn nhúc nhắc đan lát dưới sàn nhà, vẫn có thể chăm bẵm con lợn ủn ỉn trong chuồng, hay vài đàn gà con thả nơi gầm sàn. Thời con gái, cụ Lợi là người con gái Mường đẹp nhất bản. Thế nên cụ mới được về làm dâu trong cửa nhà quan lang. Thế giới của cụ Lợi bây giờ gắn liền với cái bếp lửa lúc nào cũng lom rom. Người già ngại lạnh, ngại nước, nên hầu hết sinh hoạt của cụ Lợi gắn liền cái bếp. Chiếc phản kê gần bếp. Mấy cái ấm đun, cái khạp đồng đồ xôi... cũng xếp xung quanh cái phản gỗ, gần tầm tay với của cụ.

Cụ Lợi không nói được tiếng Kinh. Thế nhưng, khi khách đến chơi, cụ vẫn thủng thẳng nghe chuyện, thỉnh thoảng lại góp vài lời. Con trai út của cụ, ông Tiêu, bảo: - Mẹ tôi già thế, nhưng vẫn còn minh mẫn lắm.

Nơi cụ Lợi nằm đối diện với cái cửa sổ mở ra phía cánh đồng. Mỗi sáng, mỗi chiều bà con trong bản đi làm, cụ Lợi đều biết cả, đều có thể nhìn rõ mặt người. Năm 1999, ông Tiêu làm lễ mừng thọ cụ tròn... 100 tuổi. Lúc ấy, cụ Lợi đã có tất cả... 120 cháu, chắt, chút, chít... Ông Tiêu mổ một con bò, mời cả bản đến mừng tuổi trời của mẹ.

Ở Mường Chậm, những cụ cao tuổi như cụ Lợi nhiều lắm. Sống hơn 100 tuổi có gần 30 cụ. Cụ Hà Thị Báng khi về trời đã... 120 năm sống trong cõi nhân gian; cụ ông thân sinh ông Tiêu, mất năm 2003, sinh năm Mậu Tuất, khi ấy cũng 106 tuổi; cụ Ơel gần 100 tuổi... Còn những cụ trên 80 tuổi thì nhiều lắm. Ông Tiêu lần mẩn đưa hai bàn tay ra đếm. Ông phải đếm đi đếm lại mấy lượt, phải lục trí nhớ bản trên bản dưới... mới liệt kê... sơ bộ những cụ sống trong cõi tu tiên.

Tôi lẩn thẩn hỏi ông Tiêu bí quyết tu tiên của các cụ. Ông cười như con trẻ: - Người già các cụ ăn nhạt lắm, và ăn thành nhiều bữa lặt vặt, đặc biệt như cụ Lợi, rất thích món... thịt mỡ. Xưa, các cụ sống cực khổ, toàn phải ăn củ nâu, củ mài, phải vào rừng tìm nấm, tìm ốc đá, chuột rừng... chứ tịnh không có một thứ biệt dược nào...

Tối. Ông Tiêu một mực giữ khách lại ngủ chơi. Người Mường Chậm hiếu khách, quý khách, câu mời thật lòng nhất, ấy là mời khách ở lại... ngủ chơi! Bữa cơm giản dị chỉ có rau rừng, chóe rượu cần phưng phức thơm nồng nàn ba gian nhà sàn gỗ. Ông Tiêu khoe ông hiện là người có số công nhiều nhất mà cả bản Mường còn nợ, hơn 1.000 công đổi giúp. Với 1.000 công đổi ấy, ông có thể cất đủ... 3 ngôi nhà sàn.

Thái Bình / HaNoiMoi