itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hai mẹ con với lớp học tình thương…“Liên hiệp quốc”

Hai mẹ con với lớp học tình thương…“Liên hiệp quốc”

Gần 18 năm, có một lớp học tình thương do hai mẹ con nghèo mở ra ngay tại nhà để dạy miễn phí cho trẻ em có cùng hoàn cảnh như mình tại tại Ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Từ những năm 1990, đoạn Tỉnh lộ 10 chạy dọc theo con kênh chia đôi hai xã Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai được coi là vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Bình Chánh. Nơi đây là vùng chiêm trũng, ít phát triển nhưng cũng là nơi mà dân thập phương từ mọi miền đổ về sinh sống và lập nghiệp. Những căn nhà rách nát của dân lao động nghèo từ khắp nơi được mọc lên, và từ đó cũng bắt đầu xuất hiện những đứa trẻ với số phận không may, suốt ngày lăn lộn tìm kế mưu sinh, không biết đến ngày mai. Hầu hết lũ trẻ sống trong tình trạng ba không: không nhà cửa, không hộ khẩu và bi đát hơn là không được đi học.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình cô Nguyễn Thị Tình về đây sinh sống và lập nghiệp. Trước đó, cô đã từng có thời gian dài dạy học, và dù nghèo nhưng cô vẫn luôn mong các con làm những việc hữu ích cho xã hội. Cô rất đồng cảm với cuộc sống của những người lao động nghèo với lũ trẻ hàng ngày chỉ biết đến con cá, con ốc khi triều cường xuống hay đi khắp hang cùng ngỏ hẻm với túi ve chai mang trên người. Năm 1992, cô bàn cùng con gái là Trần Thị Phương Mai mở một lớp học ngay tại căn nhà nhỏ bé của mình và lớp học tình thương ra đời từ đó. Cho đến nay, dù nơi đây có thay đổi đi nhiều, nhưng trong lớp học tình thương trong ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con cô Tình vẫn không thiếu tiếng cười đùa của các em. Số lượng học sinh đã không ngừng tăng lên, hiện xấp xỉ 100 em bao gồm từ lớp 1 đến lớp 5.

Cô giáo Phương Mai trong giờ lên lớp
Hàng ngày các em vẫn chăm ngoan học hành

Cô Nguyễn Thị Tình nay đã 64 tuổi, vì tuổi cao sức yếu nên cô đã giao hẳn việc quán xuyến lớp học cho con gái mình là Trần Thị Phương Mai, nay cũng đã trên tứ tuần.

Cô Trần Thị Phương Mai tâm sự, sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 1984, cô dự định thi vào ngành y và ngành sư phạm, nhưng do rắc rối về lý lịch nên con đường vào đại học của cô đành khép lại. Đó cũng là nguyên nhân khiến cô mong muốn mở lớp học tình thương sau này. Cô đã xem lớp học này như một nơi để mình gửi gắm tất cả tình thương yêu và sự sẻ chia đối với những mảnh đời cơ cực của các em. Năm tháng dần trôi, tuổi xuân cũng qua mất khi nào không biết. Đôi khi, cô cũng chạnh lòng, nhưng trên hết, đối với cô được đứng trên bục giảng dạy dỗ cho các em là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Đó là duyên nợ mà cũng như cái nghiệp, không thể dứt bỏ đi được.

Khuất sau căn nhà là lớp học đã được ra đời gần 18 năm của hai mẹ con cô Phương Mai

Nhớ lại hồi mới ra đời, lớp học chỉ có trên chục em, ban đầu hai mẹ con cô phải đến từng gia đình sống trong xóm làm quen và thuyết phục họ cho con đến lớp, vì lúc đó các gia đình đều muốn con cái đi làm kiếm tiền. Bản thân lũ trẻ cũng không muốn đi học. Tuy nhiên, dần dần hai mẹ con cô cũng thành công. Cô gọi vui đây là lớp học…“Liên hiệp quốc”, vì các em đến từ khắp vùng miền nghèo khó trong cả nước. Có những em đến trường cô phải giúp đỡ quần áo, sách vở, có khi cả gạo mắm… Thời gian đầu, hai mẹ con cô chỉ mong muốn là dạy cho các em biết đọc, biết viết, nhưng dần dần bà con xung quanh cảm kích lòng nhiệt tình và cái tâm của mẹ con cô nên họ đem con đến ngày càng đông hơn, gia đình nào khá hơn thì góp tiền phụ giúp, địa phương cũng ủng hộ bằng vật chất hàng tháng. Tuy những đóng góp này ít ỏi nhưng cũng góp phần để cô trang trải cuộc sống và mua đồ dùng dạy học cho các em. Trong căn phòng chập hẹp nhưng vẫn có một tủ đầy ắp sách để các em đọc và tham khảo những lúc giải lao.

Cô Phương Mai kiểm tra bài vở cho học sinh

Hiện tại, một mình cô Mai phụ trách tất cả các lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, và chia đều cả hai buổi trong ngày. Vì là lớp học tình thương, nên các em được cô xếp vào lớp tương ứng với năng lực học tập để dễ dạy, chứ không có qui định và chuẩn mực nào. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục huyện Bình Chánh, một số lớp tại đây đã được nhận vào hệ chính qui và công lập. Năm học này, có 31 em học sinh lớp 5 có thể tiếp tục được vào lớp 6 nếu đủ điều kiện. Các em còn lại vì không có giấy chứng nhận nào nên việc vào cấp 2 vẫn còn không ít khó khăn. Đây cũng là niềm trăn trở mà cô đang trông chờ vào sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, mà đặc biệt là ngành giáo dục huyện để các em có điều kiện tiếp tục được đến trường như bao đứa trẻ khác.

Công Huy