itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Liên danh McCain-Palin thất thế

Liên danh McCain-Palin thất thế

Liệu ông McCain và Palin có thể cùng cười để bước vào Nhà Trắng? - Ảnh: Reuters

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là cử tri Mỹ đồng loạt đi bầu tổng thống. Từ sau cuộc tranh luận cuối cùng hồi tuần trước giữa 2 ứng viên Barack Obama và John McCain, mọi ưu thế hầu như đều thuộc về phe Dân chủ.

Đòn đau từ "phe nhà"

Có thể xem việc cựu Ngoại trưởng Colin Powell, một nhân vật tầm cỡ của đảng Cộng hòa, lại ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên đảng Dân chủ Obama là đòn đau cho phe Cộng hòa. Bởi theo các nhà phân tích, tiếng nói của ông Powell có sức thuyết phục các cử tri lưng chừng bỏ phiếu cho ông Obama.

Ông Powell, tướng 4 sao từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ và là ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W.Bush, ngày 19.10 đã lên tiếng ủng hộ ông Obama trở thành tổng thống. Đây là một mốc quan trọng trong cuộc bầu cử lần này vì ông Powell là một tên tuổi lớn mà mấy tháng qua cả 2 ứng viên đều cố tranh thủ sự ủng hộ. Là đảng viên Cộng hòa có uy tín, lại là bạn thân của Thượng nghị sĩ McCain, thế mà ông Powell lại quay sang ủng hộ ứng viên Obama. Ông Powell nói, nếu được bầu làm tổng thống, ông Obama sẽ giúp thay đổi tình hình kinh tế, chính trị Mỹ, cũng như cải thiện hình ảnh Mỹ trên trường quốc tế. Ông Powell cũng thất vọng với việc ông McCain chọn Thống đốc Sarah Palin làm ứng viên phó tổng thống. Ông không tin bà này sẵn sàng cho cương vị tổng thống, trong trường hợp phó tổng thống phải nhận trách nhiệm này.

"Tiếng dội" từ thủ đô London của Anh cũng có thể khiến cử tri Mỹ cân nhắc. Thị trưởng London, ông Boris Johnson, trong một bài viết đăng trên nhật báo Daily Telegraph số ra ngày 21.10 đã công khai thừa nhận ứng viên Obama xứng đáng trở thành tổng thống vì ông ấy "tượng trưng rõ ràng cho sự thay đổi và hy vọng, vốn là hai thứ mà người dân Mỹ đang cần trong thời điểm hiện nay". Lời nhận xét của Thị trưởng London tuy không nặng ký như của ông Powell và ông Johnson cũng chẳng thể đi bầu tổng thống Mỹ, nhưng cũng đủ khiến cho những người Cộng hòa ở Mỹ thấm thía. Vì sao? Đó là vì ông Johnson là một thành viên của đảng Bảo thủ Anh, vốn xưa nay là đồng minh thân cận của đảng Cộng hòa ở Mỹ.

Lợi thế về quỹ vận động tranh cử

 
Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Wall Street Journal/NBC News công bố ngày 21.10 chứng tỏ sự thất thế của liên danh McCain-Palin. Theo đó, ứng viên Obama dẫn trước ứng viên McCain đến 10 điểm: 52% so với 42%. Đây là cách biệt lớn nhất từ khi Wall Street Journal/NBC News tiến hành thăm dò kể từ đầu tháng 9 đến nay.
 

Các con số công bố trên trang web của Ủy ban bầu cử liên bang cho thấy, ông Obama đang chiếm lợi thế trước đối thủ McCain về quỹ tranh cử. Ông Obama đã chi tiêu 87,5 triệu USD trong tháng 9 và bước vào tháng 10 với 133,6 triệu USD. Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa McCain chấm dứt tháng 9 với 47 triệu USD chi phí. Ông McCain không được quyền vận động tài trợ kể từ khi ông chấp nhận khoản công quỹ 84 triệu USD cho 2 tháng trước khi đi bầu chính thức vào ngày 4.11.

Tuy nhiên, cả hai còn nhận được sự trợ lực tài chính từ phía đảng của mình. Theo đó, ông McCain được trợ giúp từ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa với số tiền lên tới 77 triệu USD, còn ông Obama được Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ hỗ trợ 27,4 triệu USD. Sự trợ giúp của đảng đã giúp rút ngắn khoản chênh lệch, nhưng ông Obama vẫn còn lợi thế hơn 37 triệu USD, chưa kể theo dự báo, những ngày còn lại của tháng 10, trung bình ông nhận được mỗi ngày khoảng 5 triệu USD tiền đóng góp của các cử tri. Nhờ vậy, trong tháng 10, ông Obama quảng cáo gấp 4 lần ông McCain.

"Hiệu ứng Bradley" và cử tri trẻ

Vậy thì liên danh McCain-Palin hy vọng gì? Ngoại trừ việc từ đây đến ngày bầu cử có xảy ra một sự kiện trọng đại, ám ảnh cử tri Mỹ ngay cả khi đứng trong phòng phiếu, thì chỉ có "hiệu ứng Bradley" và việc cử tri trẻ tuổi - thành phần ủng hộ Obama đông đảo - làm biếng đi bỏ phiếu, lúc đó may ra mới có chuyện đảo ngược thế cờ.

"Hiệu ứng Bradley" là sự kiện lật ngược thế cờ nổi tiếng ở Mỹ, xảy ra vào năm 1982 trong kỳ tranh ghế Thống đốc bang California. Vào năm đó, Thị trưởng Los Angeles là một đảng viên Dân chủ người da đen, ông Tom Bradley. Nhân vật nổi tiếng này được đảng Dân chủ đề cử tranh chức Thống đốc bang California. Hầu như mọi cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử đều cho kết quả là cử tri sẽ bầu cho ông Bradley. Thế nhưng, ông đã thất bại cay đắng, mà nguyên nhân là các cuộc thăm dò dư luận không cho kết quả chính xác (đến mức cho phép sai số là + và - 5%). Các cử tri, cả người da trắng, da đen hay da màu khi được hỏi ý kiến đều trả lời sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Bradley. Nhưng đến khi vào phòng phiếu thì đa số đã làm ngược lại.

Báo giới gọi đó là "Hiệu ứng Bradley". Câu hỏi đặt ra là tuy đã gần 150 năm kể từ khi Tổng thống Lincoln ký ban hành đạo luật giải phóng nô lệ vào năm 1863, người da đen đã thật sự được coi là "công dân hạng nhất" hay chưa? Đã thật sự có công bình về màu da chưa vẫn là câu hỏi khó trả lời. Tuy rằng mỗi khi ông Obama đăng đàn diễn thuyết thì hàng ngàn người hâm mộ la to những khẩu hiệu như "Chủng tộc không quan trọng", "Chủng tộc không thành vấn đề", nhưng liệu yếu tố chủng tộc còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tới hay không? Liệu "sự kỳ thị ngầm" có còn tác dụng?

Một yếu tố khó tiên đoán nữa là sự chịu khó đến phòng phiếu của cử tri trẻ tuổi. Trong ngày bầu cử, thông thường, các cử tri lớn tuổi, đặc biệt những người hưu trí, là thành phần bỏ phiếu đáng tin cậy nhất vì họ đi bỏ phiếu rất sớm. Còn những người trẻ tuổi, họ thường hay quên, hoặc chẳng quan tâm lắm. Đến chiều tối, chợt nhớ ra hoặc do ai đó đốc thúc thì vội vã chạy đến phòng phiếu. Lúc đó, có khi phòng phiếu đã đóng cửa.

Đó có thể là những cơ may cuối cùng cho ông McCain và bà Palin. Cũng chính vì những yếu tố đó mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn hấp dẫn cho đến khi có kết quả chính thức.

Lê Đình Bì (Viết từ Mỹ)