itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Đầu tư hậu WTO: Cần tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp

Đầu tư hậu WTO: Cần tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp

Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo chia sẻ những kinh nghiệm với các doanh nghiệp.

Khi Việt Nam gia nhập WTO vừa mang đến cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên tiến trình hội nhập WTO đang hàng ngày hàng giờ tác động tích cực đến nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.

ItaExpress xin giới thiệu bài phát biểu của Bà Đặng Thị Hoàng Yến- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo trong Diễn đàn Kinh doanh: “Đầu tư WTO-Chiến lược thu hút và sử dụng hiệu quả” do VCCI tổ chức ngày 05.06.2008.

Các chính sách vĩ mô đang từng bước được chuẩn hóa đã góp phần tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát huy được khả năng của mình. Một ví dụ ngay đối với Tập đoàn Tân Tạo khi chưa hội nhập WTO (trước năm 2007) tập đoàn Tân Tạo chỉ tham gia đầu tư phát triển 04 khu Công nghiệp tạo ra dược khoảng 30.000 lao động ổn định mà trong đó gần 60% là phụ nữ. Tuy nhiên chỉ sau hơn một năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên 150 của WTO đến nay, Tập đoàn Tân Tạo đã thực sự thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi, họ đã mạnh dạn đổ vốn đầu tư và trở thành những cổ đông chiến lược của Tập đoàn Tân Tạo, họ đang giúp cho Tập đoàn Tân Tạo cả về tài chánh và nhân sự, chính vì vậy mà Tập đoàn Tân Tạo đã được Chính phủ Việt Nam mạnh dạn giao phó cho phép và hiện nay đầu tư phát triển hơn 40 dự án tầm cỡ Quốc gia trên khắp cả nước, trong đó có cả dự án trung tâm nhiệt điện 4400MW lớn nhất cả nước, Dự án nhà máy nước công suất 300.000m3/ngày, Cụm cảng biển nước sâu để có thể đón tàu trọng tải lên đến 120.000 tấn, dự án các khu đô thị, thành phố mới hiện đại, các khu công nghiệp có thể tạo hang trăm ngàn công ăn việc làm ổn định trong vòng 5 năm tới…. Đó là điều mà trước đây không có một doanh nghiệp ngoài Quốc doanh nào dám mơ ước.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo chia sẻ
những kinh nghiệm với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên để giúp cho Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy quá trình phát huy nội lực tiềm ẩn trong nước, cá nhân tôi xin có một số kiến nghị như sau:

1. Đề nghị Chính phủ cần có sự cải tổ mạnh mẽ hơn nữa các chính sách vĩ mô nhằm mục đích thật sự tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp quốc doanh. Cần tiến tới xóa bỏ “NHỮNG VÙNG CẤM” đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và “NHỮNG ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI” của khối Doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ có như vậy nền kinh tế Việt Nam mới thật sự được cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

2. Cần đổi mới và cải tiến các chính sách tài chính, tiền tệ để có thể thúc đẩy được thị trường tài chính, thị trường vốn Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong giai đoạn trước mắt nên nghiên cứu đến việc đẩy nhanh sự liên thông đối với thị trường tài chánh, thị trường vốn trong khu vực như Singapore, Hongkong… và tiến tới hội nhập với thị trường thế giới. Từ sự liên thông này sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cho Việt Nam thực sự cải tổ hệ thống Ngân hàng, các chính sách tài chánh, tiền tệ…theo chuẩn mực Quốc tế tạo long tin đối với thế giới tài chánh và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

3. Cần hạn chế việc điều hành kinh tế vĩ mô bằng can thiệp hành chính; vai trò trách nhiệm của các cá nhân đứng đầu các cơ quan điều hành vĩ mô cần được xác định rõ, thực tế vừa qua thị trường tài chính, chứng khoán, ngân hàng đã bị can thiệp nhiều bằng biện pháp hành chính đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam…

4. Tận dụng, phát huy lợi thế lực lượng dân số trẻ: 70% dân số Việt Nam < 30 tuổi. Chính phủ cần có chính sách rõ ràng thu hút nhân tài tham gia vào điều hành đất nước. Bản chất người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, nhưng trong nhiều năm qua chưa thực sự được coi trọng để có thể phát huy hết năng lực sáng tạo và cống hiến. Vừa qua một Tổng Công ty của Việt Nam đã tổ chức thi tuyển Tổng Giám đốc, đây là tín hiệu tốt cần được nhân rộng để những người có tài và có đức có thể thật sự tham gia vào điều hành và phát triển kinh tế của đất nước.

5. Một điều nữa mà nhiều thập niên đã là nỗi ám ảnh của giới doanh nghiệp, nhưng những năm gần đây đất nước đã bắt đầu nhìn nhận và tôn vinh các doanh nghiệp, đã nhìn nhận vai trò đóng góp tích cực của doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, việc hình sự hóa các hoạt động kinh tế đã giảm bớt. Các cơ quan hành pháp cần xác định: hoạt động doanh nghiệp là phát triển theo các quy luật kinh tế và phải được điều hành bằng luật pháp, không can thiệp, không nên bị hình sự hóa…, phấn đấu để các doanh nghiệp Việt Nam một ngày không xa sẽ như các nước tiên tiến khác: Chỉ sợ cơ quan thuế vụ chứ không phải sợ công an.

Trên đây là một số kiến nghị chính chúng tôi xin gởi đến Chính Phủ và các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn.

Diễn giả: Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo