itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Thân phận của "những chiếc bóng"

Thân phận của "những chiếc bóng"

Cung Giám Viện, nơi ở của các thái giám xưa chỉ còn lại một nền gạch đổ nát. Cái còn lại chỉ là đôi chút hoài niệm ngậm ngùi về một lớp người mang thân phận của "những chiếc bóng".

Trải qua dâu bể, Cửu đỉnh vẩn đứng sừng sững trong Thế Miếu. Rải rác trong các sân rồng xưa vẫn còn đôi chiếc vạc đồng nặng ngàn cân đứng uy nghi với thời gian. Những dấu chứng quyền uy của một vương triều vẫn còn đó nhưng không ngăn được thiên tai, bom đạn… Những tàn phá của thời gian và lịch sử đã biến lăng tẩm đền đài xưa thành phế tích; hoa quê, cỏ dại từ những xóm nghèo của bách tính lê dân suồng sã mọc lên chiếm chỗ những lầu rồng bệ ngọc của một vương triều. Tam cung, lục viện không còn, Cung Giám Viện, nơi ở của các thái giám xưa chỉ còn lại một nền gạch đổ nát. Cái còn lại chỉ là đôi chút hoài niệm ngậm ngùi về một lớp người mang thân phận của "những chiếc bóng".

Hình thái giám trên bưu thiếp

Hình ảnh của các thái giám còn lưu lại đến tận ngày nay là một vài tấm ảnh trên những tấm bưu thiếp do Collection Dieulefils, Hà Nội ấn hành năm 1908. Phía mặt sau của một tấm bưu thiếp có ảnh của 5 vị thái giám đứng ngồi bên thềm Đại Nội do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm được, có bút tích của một du khách Pháp thời đó, mô tả các thái giám triều Nguyễn như sau: "Người ta gọi những thái giám là những người có danh vọng trong thành. Nói đúng hơn, họ là những người tai to mặt lớn. Đó là những người đặc biệt trong dân chúng An Nam. Cũng như các đồng hương của họ, những người thái giám đội khăn đóng chứ không che mặt như kiểu các tín đồ công giáo ở bên Pháp của ta. Ngược lại, họ để lộ mặt mũi, hình dung rất rõ ràng - Huế 20/03/1908".

Ngoài ra, những người hoài cổ còn có thể tìm thêm được một di tích hiếm hoi khác về các thái giám. Đó là chùa Từ Hiếu ở núi Dương Xuân,TP.Huế, cách Tử Cấm Thành 5 km về phía Tây Nam. Năm 1843, Hòa Thượng Nhất Định đã lên đồi Dương Xuân dựng "Thảo Am an dưỡng" đễ tịnh tu và chăm sóc mẹ già. Năm năm sau, 1848, Thảo Am an dưỡng được mở rộng và xây dựng quy mô nhờ vào sự ủng hộ lớn của một thái giám tên Châu Phước Năng.

Mưa giăng hồ bán nguyệt - tổ đình Từ Hiếu

Với sự vận động của vị thái giám này, Dục Tông Anh Hoàng đế (Tự Đức), bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ và nhiều đại thần trong triều đã góp tiền của đễ xây dựng cơ ngơi và dự khánh thành chùa. Chính vua Tự Đức đã ban cho chùa tên hiệu Từ Hiếu với ý nghĩa Từ là đức lớn của Phật, Hiếu là hạnh đầu của Phật. Về sau, một số thái giám khác lường trước được số phận cô đơn hiu hắt của họ lúc xế chiếu nên đã nhiều lần quyên tiền tu bổ, kiến thiết laị chùa để sau này có chổ náu thân.

Đến năm 1893, đời vua Thành Thái thứ 5, chùa Từ Hiếu được Hòa thượng Cương Kỷ trùng tu lớn, nhiều thái giám lại tiếp tục quyên tiền đóng góp và gởi gắm ý nguyện được chôn cất tại đây. Và họ đã được thỏa nguyện. Sống hết mình thờ phụng đấng Quân vương, thác yên lặng nương mình bên cửa Phật, họ đã khiến người đời gọi chùa Từ Hiếu là chùa Thái Giám, nơi duy nhất và cuối cùng lưu giữ dấu tích còn lại của một lớp người.

Sống lặng lẽ, họ ra đi cũng lặng lẽ

Ngày nay, bên phải chùa Từ Hiếu vẩn còn một khu nghĩa trang các thái giám. Sau 4 bức tường rêu phủ nằm lẩn khuất giữa rừng đầy cỏ hoang, hoa dại là 23 mộ phần của các thái giám, trong đó có mộ đã được bốc, vài ba mộ không để bia, số còn lại là những mộ phần được xây cất tử tế, bia mộ chỉ đơn giản ghi mỗi cái tên người đã khuất mà không ghi gì thêm, dù chỉ một dòng năm sinh, năm mất hay quê hương bản quán. Sống lặng lẽ, họ ra đi cũng lặng lẽ. Những tâm sự, buồn vui, phiền muộn của một kiếp người đều theo họ vùi sâu vào đáy mộ. Chỉ có tấm bia đá dựng trước cổng nghĩa trang phủ đầy rêu là vẩn còn đọc được giúp nhân gian biết được về họ chung trong một nỗi niềm. Bia đề: "Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẩn tìm thấy được ở đây sự yên bình".
Hồng Lam - Thu Giang