itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tò he ngày càng “vắng bóng”

Tò he ngày càng “vắng bóng”

Có lẽ, cái tên “tò he” sẽ ngày càng trở nên xa lạ, ít được nhắc đến trong đời sống thường ngày của người dân Việt Nam. Xã hội hóa, công nghiệp hóa khiến người ta ngày càng thích tiếp cận với những thứ công nghệ hiện đại, mới mẻ hơn là quay về với những cái xưa cũ của dân gian. Tò he cũng đang chìm dần trong dòng chảy lãng quên đó.

Trò chơi đậm nét văn hóa dân gian

Tò he là một đồ chơi dân dã, thô sơ, được làm bằng thủ công nhưng lại rất sinh động, bắt mắt bởi hình dáng và màu sắc. Tò he chỉ có duy nhất ở nước ta, bắt nguồn từ làng Xuân La, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, rộ lên vào những năm 90 của thế kỷ 20. Có đến 80% người dân trong làng đều biết nặn thứ đồ chơi dân dã này, đa phần là nam giới.

Để nặn được những thứ đồ chơi tò he, đòi hỏi người nặn phải khéo léo, nhẹ nhàng, biết sử dụng chất liệu, tạo dáng. Đặc biệt, người nặn tò he phải có tư duy quan sát, có khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo để chọn màu sắc, kết hợp hài hòa và làm nổi bật lên những nét đặc trưng của thứ đồ được nặn.

Tò he không giống các đồ chơi khác, có thể làm sẵn rồi mang thành phẩm đi bán mà người nặn tò he cũng chính là người tiêu thụ sản phẩm của mình. Tò he được nặn tại chỗ, thường là nặn đến đâu bán đến đó hoặc nặn theo yêu cầu của khách hàng. Người nặn tò he thường chỉ mang theo một cái hộp gỗ, trong đựng những cục bột đã được nhuộm màu và một ít que tre, tiện cho việc đi bán rong tại các điểm vui chơi đông người. Còn cái thú của người mua tò he là cảm giác chờ đợi và chiêm ngưỡng động tác, nét mặt của người thợ nặn mỗi khi bắt tay vào công việc.

Tò he thường được nặn bán chủ yếu ở cổng đền, chùa, những nơi có lễ hội lớn. Những hình nặn tò he rất đa dạng và phong phú, từ những con vật gần gũi với đời sống người dân như voi, ngựa, chim, cá, gà, lợn… đến những con vật trong tưởng tượng, truyền thuyết như rồng, phượng, hạc, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bồ Tát nghìn tay…, mâm xôi, mâm ngũ quả, nải chuối, buồng cau, thủ lợn… hoặc đơn giản là hình ông già, cô gái, chú bộ đội, cảnh sát, bông hồng… Những hình nặn được gắn lên que tre để người chơi tiện mang.

Mặc dù được nặn với đủ thứ hình dáng, màu sắc nhưng
tò he vẫn khó có sức hấp dẫn với các "thượng đế".

Trong những dịp hội làng, Tết Trung thu, trò chơi này đặc biệt có sức hấp dẫn đối với không chỉ trẻ con, mà cả với những người lớn tuổi bởi sự phong phú về hình dạng món đồ nặn, màu sắc và thao tác của người nặn tò he…

Vừa chơi vừa… ăn

Một nét đặc biệt của thứ đồ chơi này là người chơi có thể thưởng thức hương vị của nó sau khi đã ngắm nghía thỏa thích. Nguyên liệu để nặn tò he hoàn toàn là những sản phẩm của nhà nông như: bột gạo, phẩm màu, que tre.

Bột nặn được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ. Người ta nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau và vê thành cục. Sau đó, cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội rồi mới nhuộm màu cho bột.
Màu sắc dùng để nhuộm bột là những màu tự nhiên: màu xanh từ lá cây, màu đỏ của gấc, màu vàng từ nghệ, màu đen từ tro bếp, màu tím từ một loại lá của người dân tộc thiểu số... Mặc dù được làm và pha chế thủ công nhưng màu rất bền, không bị loang ngay cả khi bị trộn lẫn vào nhau.

Ít người mặn mà với nghề

Ở những năm 90 của thế kỷ 20, người làng Xuân La đã mang món nghề truyền thống của làng mình phổ biến rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, phạm vi hành nghề của những nghệ nhân nặn tò he đang ngày càng hẹp lại.

Một khách hàng đang phân vân trước những hình tò he bắt mắt.

Tò he là một trong nhiều nghề truyền thống của Việt Nam được tham gia “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại Nhật Bản, được xuất hiện trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Mỹ… nhưng ngày càng có ít người theo và giữ nghề nặn tò he. Mặc dù bản thân những người nặn tò he luôn tìm tòi, sáng tạo để đáp ứng kịp những yêu cầu ngày càng cao của người mua đồ chơi với những hình thù nặn ngày càng tân tiến như ôtô, máy bay, súng, Đoremon, Pikachu… nhưng mức sống của người dân ngày càng cao, giá gạo cũng không ngừng tăng, trong khi mỗi que tò he chỉ bán được từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng, lãi được 500 đồng/que, nên người nặn không mấy thiết tha với nghề. Mặt khác, các thứ đồ chơi với những công nghệ hiện đại ngày càng tràn lan trên thị trường đã lấn át hết vẻ đẹp dân dã của thứ trò chơi dân gian này.

Hiện ở một vài tỉnh miền Bắc vẫn lác đác xuất hiện người bán tò he bên vỉa hè, công viên… nhưng nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp gìn giữ, phát huy thì trong tương lai gần, trò chơi đậm chất văn hóa dân gian này sẽ bị mai một và xóa bỏ.

Bài, ảnh: Thu Hà